Theo báo cáo mới được Cục Thống kê (GSO) công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,22% so với cùng kỳ, đến từ sự ảnh hưởng của 4 nhóm hàng hóa gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng gần 4%, góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm %. trong đó, giá thịt lợn tăng 12,49% là yếu tố chính. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt heo trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết.
Tính riêng tháng 3, chỉ số giá thịt lợn tăng 3,58% so với tháng liền trước. Nguyên nhân đẩy giá và gây khan hiếm thịt đến từ ảnh hưởng của dịch bệnh, hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 khiến nhiều trang trại chăn nuôi chưa kịp tái đàn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi đã tập trung xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán dẫn đến nguồn cung thiếu hụt.
Trong tháng 3, các hoạt động lễ hội lớn ở miền Bắc và miền Trung cũng đẩy nhu cầu thịt lợn tăng cao. Tính đến ngày 30/3, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 66.000-77.000 đồng/kg.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng hơn 5%, làm CPI chung tăng 0,96 điểm % vì giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng.
Thêm vào đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5% do nhu cầu sử dụng điện tăng và việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân hồi tháng 10/2024.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng hơn 14%, làm CPI chung tăng 0,78 điểm %, chủ yếu vì giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024 của Bộ Y tế.
Trong khi đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch ghi nhận chỉ số giá tăng hơn 2%.

Người dân mua hàng (Ảnh: Thành Đông).
Chiều ngược lại, một số nhóm hàng đã góp phần "hạ nhiệt" lạm phát là giao thông. Nhóm hàng này giảm chủ yếu nhờ chỉ số giá xăng, giá dầu diezen giảm do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Một nhóm hàng nữa có chỉ số giảm là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Theo Cục thống kê, giá gạo trong nước giảm do sản lượng dồi dào khi đang vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân.
Đồng thời, Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo đã khiến nguồn cung gạo trên thị trường quốc tế tăng lên. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đang giảm, vì thế chỉ số giá nhóm gạo giảm 1,13%.
Mặt khác, nhóm giáo dục giảm 0,61% đã tác động làm giảm CPI chung. Nguyên nhân do chính sách miễn, giảm học phí tại một số địa phương.
Bình quân quý I, lạm phát cơ bản tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (3,22%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.